Hội thảo quốc tế “Chiến lược quốc gia trong tương lai và nhìn trước công nghệ”

Sáng ngày 18 tháng 4 năm 2019, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (VISTI) và Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (STEPI) đã tổ chức hội thảo “Chiến lược quốc gia trong tương lai và nhìn trước công nghệ”, trong khuôn khổ Dư án “Tư vấn chính sách nhằm tăng cường năng lực Nhìn trước cho hoạch định chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam (2019-2020)” thuộc Chương trình ODA K-Innovation do Viện STEPI điều phối với sự tham dư của hơn 40 đại biểu đến từ cơ quan quản lý và nghiên cứu của Bộ KH&CN và môt số Bộ, ngành khác.  

Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam có sự tham dự của TS. Lê Đình Tiến – Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, TS. Tạ Doãn Trinh – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, ông Nguyễn Hoàng Hải – Quyền Trưởng Ban Quản lý khoa học và đào tạo, VISTI và ông Kum Donghwa – Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST). Về phía Hàn Quốc, có sự tham gia của GS. Park Young Il – Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Hàn Quốc, Trường Đại học Ewha, TS. Byeongwon Park – Nghiên cứu viên chính Viện STEPI và TS. Yoohyunh Won – Nghiên cứu viên cao cấp Viện KIST.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Mục tiêu của Hội thảo là chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc và Việt Nam về hoạch định mang tầm chiến lược với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên nhìn trước công nghệ. Tại hội thảo, các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm của hai nước trong việc tăng cường năng lực nhìn trước cho hoạch định chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Với sứ mệnh của mình, VISTI có chức năng quan trọng trong nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển KH&CN Việt Nam, đặc biệt là trong những năm sắp tới khi Việt Nam đang hướng tới phát triển KT-XH dựa trên KH&CN. Hàn Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc lồng ghép các ưu tiên phát triển KH&CN vào trong Chiến lược phát triển KT-XH. Do đó, Hội thảo là cơ hội giúp các chuyên gia Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược quốc gia về KH&CN”.

Trình bày tại Hội thảo, GS Young Il Park đánh giá Việt Nam đang ở giai đoạn nắm bắt công nghệ, tức là hướng tới mục tiêu để đạt được những khoa học, công nghệ đã có. Với xu hướng khoa học, công nghệ đóng vai trò then chốt để phát triển kinh tế trong thời gian tới, Việt Nam cần nắm bắt nhu cầu và nhìn trước công nghệ, đặt ra mục tiêu để dẫn đầu một số công nghệ sắp có trên thế giới.

Quang cảnh hội nghị

Cũng tại buổi Hội thảo, các khách mời đã được nghe các chuyên gia Hàn Quốc giới thiệu về Nhìn trước công nghệ và ứng dụng của Nhìn trước công nghệ trong hoạch định chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc, đồng thời, chỉ ra trong giai đoạn hiện nay, các viện nghiên cứu thuộc Chính phủ đang chuẩn bị như thế nào trong hoạch định chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI).

Hội thảo còn là diễn đàn để các nhà khoa học trong nước trình bày về chiến lược STI của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, kinh nghiệm sử dụng Nhìn trước công nghệ cho chiến lược STI, những bài học kinh nghiệm trong xây dựng công cụ Nhìn trước công nghệ hiệu quả hơn trong bối cảnh chuyển đổi kế hoạch khoa học và công nghệ trung hạn và dài hạn hiện nay theo hướng có sự tham gia rộng rãi hơn của các bên liên quan ….

Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, hiện nay, việc xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam còn thiếu sự phối hợp tham gia của các bộ ngành khác. Đây là một trong những khó khăn để có cái nhìn toàn cảnh về nhu cầu công nghệ. Để đạt được những thành công như Hàn Quốc đã gặt hái, kế hoạch phát triển khoa học và nhìn trước công nghệ của Việt Nam cần thỏa mãn được 3 vấn đề chính: (i) Vai trò và nhiệm vụ của khoa học, công nghệ đối với tương lai của quốc gia; (ii) tầm nhìn ngắn, trung và dài hạn của quốc gia với phát triển khoa học công nghệ; bản chất của sự tiến bộ khoa học công nghệ; (iii) kế hoạch cũng phải xác định rõ ai dẫn dắt và làm như thế nào để tiến bộ khoa học có thể áp dụng trong thực tiễn./.

Nguồn Visti

Bài viết liên quan