Hội đồng đánh giá đề cương chi tiết luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Nguyễn Phương Tuấn

Ngày 24 tháng 5 năm 2024 tại Hà Nội, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Học viện) đã tổ chức hội đồng đánh giá đề cương chi tiết luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Nguyễn Phương Tuấn.

Các thành viên Hội đồng gồm các giảng viên, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ quản lý khoa học và công nghệ đã nghiêm túc đánh giá đề cương chi tiết luận án tiến sĩ về ý nghĩa khoa học, thực tiễn và tính cấp thiết của luận án; sự phù hợp giữa tên luận án với nội dung, chuyên ngành, hướng nghiên cứu; Những đóng góp mới; cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của luận án.

Hội đồng đánh giá đề cương luận án tiến sĩ

Nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Phương Tuấn đã trình bày tóm tắt trước Hội đồng về các nội dung chính của luận án gồm lý do lựa chọn nghiên cứu, tổng quan các công trình khoa học đã được công bố, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, dự kiến đóng góp của đề tài, dự kiến cấu trúc của luận án.

Nghiên cứu sinh trình bày đề cương nghiên cứu trước Hội đồng

Dựa trên đề cương chi tiết cùng với báo cáo tóm tắt của NCS, các thành viên hội đồng thảo luận, góp ý, chỉ ra những hạn chế cần cải thiện và gợi ý những nội dung mới giúp NCS triển khai đề tài luận án hiệu quả hơn. Chủ tịch Hội đồng đề nghị NCS tiếp thu đầy đủ các ý kiến, góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện đề cương chi tiết luận án tiến sĩ.

Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS. Trần Văn Nghĩa – Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các Phó Giáo sư, Tiến sĩ đã dành thời gian tham gia buổi đánh giá đề cương chi tiết cho NCS. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc cũng chia sẻ: Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), với nhận thức ngày càng tăng về vai trò, sứ mệnh và tác động của KH&CN đối với sự phát triển đất nước, các hoạt động quản lý, nghiên cứu và xây dựng chính sách KH&CN ở nước ta ngày càng được đẩy mạnh. Cùng với sự kiện toàn hệ thống tổ chức KH&CN từ trung ương đến bộ, ngành và địa phương, số lượng cán bộ làm công tác quản lý và hoạch định chính sách KH&CN ở Bộ KH&CN, các Vụ KH&CN thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương và Sở KH&CN ở các địa phương đã tăng lên nhanh chóng. Sự phức tạp trong quản lý phát triển KH&CN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá cũng đòi hỏi chúng ta phải xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách KH&CN có trình độ cao, đủ sức đáp ứng được yêu cầu mới. Vì vậy, công tác đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Quản lý KH&CN có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành và kỳ vọng các luận án tiến sĩ sẽ từng bước được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, có tính ứng dụng và hiệu quả cao./.

Nguồn: VISTI